Xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở ‘thủ phủ’ chăn nuôi Đồng Nai

06/05/2019
Facebook
UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 1981/QĐ-UBND công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Trảng Bom. Như vậy, sau nhiều đồn đoán từ thương lái dịch tả xuất hiện trên địa bàn gần đây, địa phương này đã chính thức công bố dịch.

Quyết định công bố dịch tả heo châu Phi được Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom kí vào ngày 4/5.

Cụ thể, ổ dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại địa bàn ấp Tân Đạt, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không nói rõ số lượng heo mắc bệnh là bao nhiêu con.

Xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai - Ảnh 1.

Chi cục Thú y Đồng Nai xác nhận dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn, ổ dịch nằm tại huyện Trảng Bom. (Ảnh minh hoạ: Báo Đồng Nai).

Được biết, đàn heo có dấu hiệu mắc bệnh vào ngày 24/4. Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm. Quyết định công bố thông tin dịch của UBND huyện Trảng Bom đưa ra dựa vào văn bản thông báo kết quả xét nghiệm số 1026/TYV6-TH, ngày 25/4/2019 của Chi cục Thú y vùng VI.

Quyết định công bố dịch tả heo châu Phi của huyện Trảng Bom cũng đề cập các vùng dịch trên địa bàn huyện được xác định trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch.

Cụ thể, vùng bị dịch uy hiếp trực tiếp nằm trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, gồm xã Đồi 61 và một phần xã Tây Hoà. Vùng giám sát dịch bệnh là phạm vi 10 km quanh ổ dịch, gồm các xã, thị trấn còn lại của huyện Trảng Bom.

Xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai - Ảnh 2.

Quyết định công bố dịch tả heo châu Phi của huyện Trảng Bom.

Ngoài ra, địa phương cũng lập nhiều chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên địa bàn xã Đồi 61, để kiểm soát, ngăn chặn việc đưa heo từ trong vùng dịch ra bên ngoài và ngược lại.

Để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan, huyện Trảng Bom đã cho tạm ngưng hoạt động ba cơ sở giết mổ trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lí các lò mổ lậu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cũng cho biết dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn và số heo mắc bệnh hơn 1.000 con đã được tiêu huỷ.

Ông Đoán cũng nói thêm hậu quả của dịch tả sẽ rất nghiêm trọng, bởi Đồng Nai là địa phương có tổng đàn rất lớn. Vì vậy, hiện địa phương đang tích cực công tác phòng chống dịch, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại, nhằm chủ động phòng ngừa lây lan.

Trước đó, có thông tin một số thương lái tung tin đồn Đồng Nai đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi, khiến nhiều người chăn nuôi trên địa bàn và các tỉnh lân cận hoang mang. Phía cơ quan chức năng cũng cho biết đang trong quá trình xem xét thực hư thông tin trên và đưa ra công bố.

Đồng Nai là thủ phủ heo của miền Nam với tổng đàn 2,5 triệu con. Tuy nhiên theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 4/2019, tổng đàn heo trên địa bàn còn trên 2 triệu con, giảm gần 500.000 con so với đầu năm.

Nguyên nhân đàn heo sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh tả heo châu Phi xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, hộ nuôi chủ động giảm đàn để tránh thiệt hại.

Sau nhiều đợt giảm giá, giá heo hơi chỉ còn ở mức ở mốc 37.000 -40.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thời kì đỉnh điểm đạt 55.000 đồng/kg.

———-

Ngay thời điểm xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh phía Bắc, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tỉnh dự tính chi 17,3 tỉ đồng nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả dịch tả heo châu Phi; khống chế, dập tắt dịch bệnh khi mới phát hiện và còn ở diện hẹp; sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo cho sản xuất chăn nuôi phát triển.

Kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; giám sát lưu hành vi rút gây bệnh để tổ chức tốt công tác phòng dịch, tổ chức dập dịch khi phát hiện có sự lưu hành của vi rút.

Khi xảy ra ổ dịch, phải tiêu hủy ngay đàn heo nhiễm bệnh và các đàn heo xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh, hỗ trợ tài chính cho người có heo bị tiêu hủy.

Theo Vietnammoi